CHẾT

Khi kết thúc cuộc đời, mẹ Giáo Hội lo cho có một cuộc ra đi khỏi thế gian tốt đẹp. Bà ban cho con cái bí tích kẻ liệt. Trước đây người ta gọi đó là phép “ xức dầu lần cuối “.

… và khi ai được hỏi có muốn lãnh không thì người đó chối đay đảy, vì sợ rằng như vậy là tên mình đã nằm trong danh sách người chết.

Chữ “ xức dầu lần cuối “ đã thành như một từ ngữ gây kinh hãi nơi người bệnh, và từ lâu đã được Giáo Hội cố tình thay thế bằng chữ “ xức dầu bệnh nhân “. Từ này đúng hơn và nó không còn gây ấn tượng sắp chết nơi người bệnh, khi thấy linh mục đến.

Thật ra, phép xức dầu bệnh nhân nâng đỡ tinh thần người bệnh, và tiến trình nâng đỡ này đôi khi cũng có thể đưa người đó tới lành bệnh. Đây là sự nâng đỡ bằng bí tích của Giáo Hội trong hoàn cảnh đau bệnh, hơn là một bí tích cho người sắp lìa đời. Đây là của ăn Thánh thể đi đường thật sự. Qua lời nguyện kẻ liệt, qua phép lành kẻ liệt và một lần nữa với phép giải tội, Giáo Hội trao cho người bệnh những lời an ủi. Đó là những động viên trợ giúp vượt qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, mà người bệnh nhiều lúc xem ra như đi vào một vùng tối, chẳng có chút ánh sáng nào.

Phép xức dầu bệnh nhân đúng hơn là một nâng đỡ để người bệnh chấp nhận đau khổ. Nó giúp tôi bước vào cộng đoàn bí tích với Đức Ki-tô qua việc thăng hoa cơn đau và nỗi khổ của tôi. Đây không nhất thiết là sự khỏi bệnh thân xác. Bởi vì bệnh cũng có thể chữa lành tâm hồn tôi, nó có khi cần thiết cho tâm hồn tôi. Đức Ki-tô đã dạy cho tôi đau khổ và đã đau khổ với tôi, vì vậy Ngài có thể là vị bác sĩ thật sự cho chính tôi, giúp tôi thắng vượt được căn bệnh tâm hồn sâu xa hơn.

Người ta nói, trong giờ lâm tử con người hay thay đổi cảm quan một cách cực đoan. Những tay vô thần sắt thép vào giây phút cuối bỗng mềm nhũn như con chi chi. Chuyên gia nghiên cứu sự chết, bà Elisabeth Kübler-Ross, qua những tìm hiểu về kinh nghiệm lâm tử, đã nhận ra : “ Hầu hết thay đổi một cách triệt để. Mọi giá trị đều đổi. Giá trị của họ không còn quá vật chất, quá gây gỗ nữa. Họ hướng về những giá trị thiêng liêng nhiều hơn “. Nghĩa là, khi một người gần “ cửa tử “, phải chăng người đó đột nhiên có thể nhận ra được rõ ràng đâu là cái thật sự đáng kể của cuộc đời ?

Hẳn nhiên tình trạng tiếp biên đó có thể giúp người ta nhận ra rằng của cải chồng chất hay những huy chương, tưởng lục và ảnh hưởng của mình chẳng phải cái cuối cùng, cái đáng kể. Một cuộc xét lại giá trị có thể - nhưng không nhất thiết - sẽ diễn ra. Có những tâm hồn chai đá và cùn mòn đến nỗi không nhìn ra được gì nữa. Thật ra những hoàn cảnh tiếp biên đó chỉ có thể đẩy được ra ánh sáng những gì đang nằm kẹt một cách nào đó trong tâm mà thôi. Như vậy, đừng đợi cho đến giờ sau hết, cũng đừng để cho kho phúc đức cạn kiệt đi, kẻo khi chú rể xuất hiện – nói theo dụ ngôn của Chúa – thì dầu trong đèn đã cạn.

Có một kinh nghiệm khôn ngoan của công giáo cổ xưa : Chủ nhật thế nào thì ngày chết cũng thế.

Câu đó cũng ám chỉ sự chuẩn bị như trên. Nếu ngày chủ nhật vắng Chúa hoàn toàn, thì ta sẽ mất hết nhiên liệu dự trữ, không còn sức để tạo ra được cái chuyển mình sau hết. Và dù cho ân huệ Chúa vô tận đi nữa – thì cũng không nên tiêu pha hết phần dự trữ trong tâm, kẻo vào lúc cần tới, ta chẳng còn gì hết, đó là một cảnh cáo đối với ta.

Giáo Hội dạy nên vui vẻ đón nhận cái chết : “Sống là chết, chết là sống “. Sau chết, cuộc sống đời đời đang chờ ta.

Đúng. Nhưng bản tính con người không giống nhau. Khi An-tịnh nằm trên giường chết, tội lỗi lại hiện ra rõ nét trong tâm trý ngài. Vì vậy, An-tịnh cho treo lên tường các Thánh Vịnh sám hối, để mình có thể không ngừng đọc theo. Ngài còn từ chối rước Mình thánh trong một thời gian, để trầm mình vào ăn năn sám hối. Lúc đó ngài nghĩ tới người cha tinh thần của mình Ambrosius*, là người đã đón nhận cái chết một cách rất thanh thản, và đã nói : Ngài là con người vĩ đại, nên được tặng cái chết ; còn tôi là một người khác, nên không được tặng, tôi cần khiêm tốn sám hối, với hi vọng rồi Chúa sẽ đón nhận tôi.

Song có lẽ cũng phải nói rằng, nhiệm vụ của giáo dục Ki-tô giáo và của các bài giảng là dạy cho tín hữu tin tưởng rằng, qua cái chết, ta đang bước vào sự sống đích thực. Đó cũng là một cách giúp người ta vượt qua sự sợ hãi trước nỗi bí ẩn, hay ít nhất vượt qua nỗi sợ thuần thể lí, để thanh thản đón cái chết như một món quà.

Còn Hồng Y, ngài có sợ chết không ?

Tôi vẫn biết mình thiếu sót nhiều thứ, nên vẫn luôn nghĩ đến toà phán xét. Nhưng dù vậy vẫn mang hi vọng, vì Chúa lớn mạnh hơn những yếu đuối của mình.

Ngài có nghĩ nhiều tới cái chết ?

Có, vì càng về già, người ta càng tới gần nó.

Có được phép hoả táng không, hay đó chỉ là một phong tục ngoại giáo ?

Ngay người Do-thái, khác với các dân tộc khác trong vùng biển Địa-trung, đã không biết đến hoả táng. Họ chôn xác, và coi đó là hạt mầm của sự sống lại. Người ki-tô sau đó đã lấy lại phong tục này. Trong mộ táng cũng đã và đang tiềm ẩn một niềm tin sống lại, một niềm hi vọng. Cho tới công đồng Vatican II ai hoả táng sẽ bị phạt. Do hoàn cảnh của thế giới tân thời, Giáo Hội đã bỏ việc cấm đoán đó. Niềm tin sống lại không nhất thiết phải diễn tả qua việc mộ táng, bởi vì Chúa hẳn sẽ phải cho ta thân xác mới sau khi chết, vì thế giờ đây được phép thiêu xác. Quan điểm của tôi còn khá cổ hũ, tôi cho rằng mộ táng luôn vẫn là hình thức đích thực, qua đó ki-tô hữu nói lên sự kính trọng đối với người chết, nhất là đối với thân xác, và nói lên hi vọng vào quà tặng tương lai.

Ngài nói, Chúa sẽ cho ta trong đời sau một thân xác mới – điều này có nghĩa là con người đời sau sẽ không còn giống với con người đời nay ?

Trên một bình diện nào đó, con người tái sinh trong ngày phán xét là một tạo vật mới, nhưng nó vẫn giữ nguyên bản sắc người cả hồn lẫn xác. Thánh Tô-ma nói, lúc đó hồn là lực hình thành của xác – hồn là xác, hồn tạo cho mình thân xác. Bản sắc như vậy có nghĩa là hồn – hồn này đã được tiếng gọi tái sinh trao cho một lực tác tạo mới - tự tạo nên một thân xác đồng dạng. Nhưng tôi nghĩ, thật vô ích, nếu ta cứ ngồi đây mà đoán chừng con người thân xác và con người vật chất đời sau sẽ ra như thế nào.

Rất cụ thể : Anh tôi mất lúc 14 tuổi. Hiện giờ anh ở đâu ?

Ở bên Chúa. Tôi nghĩ, ở đây, ta phải bỏ những phạm trù xác định vị trí thuần vật chất đi. Cũng như ta không thể xác định vị trí Chúa ở đâu, thì đối với người chết cũng vậy, họ đã bước vào một tương quan vật chất khác. Tương quan của Chúa đối với không gian vật chất là một tương quan ngự trị xuyên suốt. Ta đã nói về những cấp độ gần Chúa, chúng không bị giới hạn bởi những nơi chốn không gian, và ta cũng đã nói rằng linh hồn, nguyên lí tinh thần trong con người, cũng không phải là một cơ phận nào đó nằm ở đâu trong thân xác, nhưng lại là hình thái xác định cái toàn thể. Cũng thế, người chết tham dự vào một tương giao không gian khác của Chúa, tương giao đó tôi không thể xác định được bằng phạm trù địa lí.

Một số người dám nói, người chết sống quanh quẩn bên mộ. Quan điểm đó làm tôi hơi kinh khiếp. Không, họ đã ra khỏi hình thái không gian vật chất này rồi, và đã bước vào một tương giao không gian khác, một không gian trỗi vượt của Chúa. Thỉnh thoảng có người, trong tâm tưởng, thấy mình vượt qua được tới bờ bên kia đại dương. Ta có thể coi đó là thứ không gian vượt trội, một cấp độ không gian khác, đó là sự gần gũi tinh thần. Dù sao, nên bỏ đi quan niệm người chết phải ở một địa điểm nhất định nào đó. Thay vào đó ta nên nói : Họ đang ở bên Chúa – như thế, họ đang hiện diện trong một thực tại vũ trụ mới và cũng rất gần bên tôi.

Con người chúng ta thích tò mò, chúng ta muốn biết một chút về thiên đường. Nó ra sao, Kinh Thánh có nói cái gì đang đợi ta ở thiên đường không?

Kinh Thánh cũng chỉ có thể đề cập bằng hình ảnh. Chẳng hạn như cảnh phụng vụ thiên quốc. Theo đó, thiên đường là cơn xuất thần của phụng vụ đích thực đó, và cả ca hát và bay lượn cũng bằng hình ảnh.

Nhưng tất cả những cái đó có thể bị hiểu lầm. Ta biết ở Đức có câu chuyện về một anh người Bayern tới được thiên đàng, và rồi đêm ngày miệng cứ ca hoài bài Alleluia muôn thủa, không dứt được nữa. Đây là điểm tôi cho là quan trọng : không những hình thái không gian mà cả ý niệmthời gian cũng đổi khác trong tình trạng khác mới (thiên đàng) này. Nếu ta quan niệm thiên đàng là sự kéo dài vô tận của thời gian, thì tới một lúc nào đó, sợ ta sẽ nghĩ là quá lâu đi. Nhưng tình trạng được bứng ra khỏi diễn tiến thời gian ngày ngày giờ giờ dính liền với những vòng quay địa cầu quen thuộc của ta, để được đưa vào một thứ kết hợp mới giữa người với người bên nhau, cũng có nghĩa là cái nhịp thời gian vĩnh cửu tiếp nối nhau đó không còn nữa – mà chỉ còn lại một khoảnh khắc hiện tại độc nhất ngập niềm vui. Vì thế, ta nên hình dung vĩnh cửu như là khoảnh khắc ngập niềm vui đó, khoảnh khắc này nằm ngoài mọi thời gian.

Hình như ngài sẵn sàng hiến tặng cơ phận sau khi chết ?

Vâng, dù vẫn biết các cơ phận già nua của tôi có lẽ chẳng còn hữu dụng lắm.

Một hình ảnh dễ sợ : Trái tim Hồng Y Ratzinger trong một bác người Phi châu theo đạo Islam tại Paris ?

… có thể lắm chứ.

Bà Elisabeth Kübler-Ross, chuyên nghiên cứu về sự chết, có ý kiến rất rõ về câu hỏi có nên kéo dài sự sống bằng phương pháp nhân tạo không. Bà nói : “ Một trăm phần trăm không. Không nên kéo dài mà cũng không nên rút ngắn. Mỗi người có một thời điểm đúng lúc để chết “. Người ta có thể nại lí do, vì còn nhiều việc dở dang chưa xong nên phải kéo dài thêm sự sống. Hơn nữa, đây là chuyện ít do bởi cá nhân quyết định, nhưng do “ một ông chủ lớn hơn, người đó có quyền”.

Có nhiều cách hoặc nhiều lối kéo dài sự sống, mà tôi chống, vì cho đó là cách dùng bạo lực. Nhưng việc chữa trị, tự nó, cũng là những cách kéo dài sự sống. Ngày nay, người ta có thể chữa được nhiều căn bệnh trước đây phải bó tay. Tôi xem những lối chữa trị bằng kĩ thuật phát triển của i khoa không phải là việc kéo dài sự sống bằng nhân tạo.

Như vậy, vấn đề đặt ra là, đến mức độ nào thì việc hiến cơ phận cho nhu cầu chữa bệnh được coi là phương tiện bình thường và đáng làm trong mục đích nới rộng khả năng của bác sĩ. Tôi nghĩ, việc ghép các cơ phận đôi như mắt hay thận không có vấn đề lớn, cho dù ở đây đã có một hi sinh rất lớn cho một phía. Rắc rối là khi ghép những cơ phận như tim, mà người ta được phép lấy từ một nạn nhân đã chết về phương-diện i khoa, nhưng phải lấy thật sớm, để cơ phận đó còn “sống “. Bao giờ thì một người chết thật mà – mặt khác, chính cơ phận của người đó thì lại phải còn sống -, đó là một câu hỏi tiếp biên phải trả lời với ý thứctrách nhiệm lớn. Tiêu chuẩn `óc ngưng hoạt động` tuy đã được nghiệm xét kĩ, nhưng theo tôi, vấn đề này luôn phải được xét đi xét lại một cách chu đáo, vì người ta luôn bị cám dỗ muốn lấy cơ phận thật sớm. Vì thế, ghép tim trên thực tế là một việc chữa trị tiếp biên. Dù vậy, tôi không hoàn toàn phản đối lối chữa này. Tôi nghĩ, trong lãnh vực chữa trị đúng đắn cũng còn có những phương pháp chính đáng khác có thể đưa vào.